Trước khi trở thành 'O Sen' được khán giả cả nước biết đến, Ngọc Mai từng trải qua đời sinh viên khó quên với may mắn gặp những người thầy đã tạo ra chị hôm nay.
"O Sen" Ngọc Mai - quán quân chương trình Ca sĩ mặt nạ - được giới chuyên môn nhận định là ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc hàng đầu thị trường. Để có được nền tảng vững chắc như hiện tại, chị từng trải qua thời sinh viên không ít sóng gió.
Năm 2002, khi học trung cấp Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế, Ngọc Mai là học sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử học viện. Thầy trưởng khoa khi ấy nhìn ra tiềm năng, nhận dạy cô bé Mai như một thử nghiệm.
Suốt 4 năm học, Ngọc Mai được thầy dạy nhiều kiến thức "vỡ lòng" đầu tiên trong đời. Chị luôn nhớ ơn ông như người thầy dạy nhạc đầu tiên của mình, ngay cả khi ông hiện đã không còn tại thế.
Tốt nghiệp trung cấp năm 2006, Ngọc Mai tiếp tục theo học chuyên ngành Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM. Tại đây, chị lần đầu nếm trải cảm giác "vỡ mộng".
Ca sĩ kể: "Ngày xưa, tôi học thuộc dạng tốt trong lớp. Nhưng trong quá trình học, không tránh khỏi những lúc chật vật tập bài, học kiến thức mới. Nhiều thầy cô quen cách nói nặng lời khiến sinh viên bị tổn thương, nghi ngờ bản thân. Tôi thường xuyên bị mắng vì những lỗi rất nhỏ, bị so sánh 'đại học hát thua cả trung cấp'".
Nặng nề nhất là việc cô giáo mới thẳng thừng chê thầy cũ của chị, phủ nhận hoàn toàn những điều ông dạy tại Học viện Âm nhạc Huế. Khi người mình kính trọng bị chỉ trích, chị rất đau lòng, tinh thần xuống dốc. Thêm một vài chuyện tiêu cực xảy ra khiến Ngọc Mai mất niềm tin vào xung quanh.
"Đó là quãng thời gian tôi đến trường nhưng không hiểu vì sao mình ở đây. Mỗi ngày đi học như cực hình", Ngọc Mai tâm sự.
Chị tách mình khỏi thầy cô, tự tập bài thi, đến nỗi vào ngày thi các thầy cô mới biết chị hát bài gì. Từ một sinh viên đầy đam mê, Ngọc Mai khiến nhiều bạn học sốc khi nộp đơn thôi học sau 6 năm.
Không có thầy, tôi đã về quê làm nông
Ngọc Mai đã từng xin thôi học sau 6 năm bền bỉ
Ca sĩ nhớ lại: "Vì quá stress, tôi nghĩ mình đi sai đường nên xin thôi học. Thầy tôi - NSND Tạ Minh Tâm - không đồng ý. Thế là tôi trốn thầy, ông ở đâu thì tôi tránh chỗ đó. Thầy gặng hỏi lý do nhưng tôi nhất quyết không nói. Cuối cùng, khi thầy thể hiện thái độ cương quyết, tôi cũng xuôi theo, trở lại giảng đường.Thầy Tạ Minh Tâm truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Đó là người đã dắt tôi ra khỏi vũng lầy tiêu cực của quãng đời sinh viên. Nếu không có thầy, tôi hẳn đã về quê lấy chồng, làm nông, không có nghệ sĩ Ngọc Mai bây giờ".
Giai đoạn thi tốt nghiệp, Ngọc Mai có một "cô giáo" đặc biệt là ca sĩ đồng nghiệp của mình. Hai người nhận ra mảng thiếu của đối phương nên kết thân, thành đôi bạn cùng tiến.
Ngọc Mai hỗ trợ cô bạn mảng tiếng Việt và dân ca, và được hỗ trợ lại mảng Opera. Đêm thi tốt nghiệp, chị đã đạt điểm tuyệt đối. Khi mọi người vây quanh hỏi Ngọc Mai học ai, chị chỉ cười.
"Với tôi, người thầy không cần chuyên môn quá cao, cần nhất là phù hợp và truyền cho bạn cảm hứng. Quan trọng hơn, bạn cần ý thức rõ mình cần gì và không ngừng nỗ lực cải thiện bản thân", chị nói.
Người thầy thứ 3 mà chị không bao giờ quên ơn là NSND Trung Kiên. Ông dạy chị quãng thời gian học thạc sĩ.
Trong ký ức của ca sĩ, NSND Trung Kiên rất yêu thương học trò, sẵn sàng "rút ruột" những kiến thức, kinh nghiệm tâm huyết nhất. Sau này, khi chị học xong, ông vẫn giữ thói quen gửi những cuốn sách hay cho học trò.
Giai đoạn đó, Ngọc Mai đắt show, ham đi diễn nhưng chưa bao giờ lơ là việc học. Vì thường xuyên ra Hà Nội học, cộng thêm việc luôn được thầy Trung Kiên khen, cái tên Ngọc Mai khá nổi tiếng với nhiều sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
NSND Trung Kiên chăm sóc học trò từng chi tiết nhỏ. Thấy Ngọc Mai đi lưu diễn châu Âu, ông mượn áo khoác, ủng của vợ (NSND Thu Hà) cho chị mặc vì sợ học trò nhiễm lạnh. "Sự chu đáo, ân cần của thầy cho tôi cảm giác rất ấm áp, khác xa những gì mình từng trải qua. Ơn nghĩa của thầy lớn lắm, tôi không trả hết được", chị nói.
Khi thầy Trung Kiên mất, Ngọc Mai thấy rất hụt hẫng. Chị biết ông còn nhiều dự định ấp ủ, nhiều cuốn sách thanh nhạc viết dở dang.
Với Ngọc Mai, thanh nhạc giúp con người đạt được sự an nhiên, cân bằng trong cuộc sống
Hiện tại, Ngọc Mai đã thôi dạy tại Nhạc viện TP.HCM sau 10 năm công tác. Chị theo đuổi con đường riêng: dạy thanh nhạc, truyền cảm hứng, chữa lành tổn thương và tìm kiếm sự an nhiên bên trong bản thân.
Trải qua quãng đời sinh viên "sóng gió", Ngọc Mai càng khao khát trở thành nhà giáo, nguyện lòng không bao giờ làm tổn thương học trò như một số thầy cô mình đã gặp.
"Kỹ thuật chỉ có một nhưng đôi khi nhiều thầy cô rất cảm tính. Hôm nào vui họ khen đúng, hôm nào không vui thì chê bai, chì chiết. Chính tôi phải học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, việc giảng dạy không phụ thuộc vào tâm trạng của mình hôm đó".
Những chuyện vui buồn đã qua là động lực để tôi phấn đấu, có được hôm nay. Tôi luôn nhớ ơn những người thầy trong đời mình và trả ơn họ bằng cách cống hiến hết mình cho cộng đồng", chị nói.