Tôi hãy còn nhớ cảm giác lần đầu đặt chân vào ngôi nhà của ông bà nội tôi để lại. Nó trông như khung xương của một con vật kỳ dị đã lóc hết thịt, sụm chân trên nền đất đầy những vệt mưa xói lỗ chỗ như mặt sàng. Trong không gian phân vân sáng tối, nghe như mơ hồ một mùi ám khí đang lởn vởn đâu đây…
Năm ấy tôi mới lên 8 tuổi. Những năm trước đó mẹ con tôi vẫn tá túc ở nhà ông ngoại. Cha tôi đi bộ đội năm 1953 lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào thời kỳ quyết liệt. Ông bà nội tôi mất lúc cha mới 6 tuổi. Cô tôi một mình vật lộn với mấy sào ruộng nuôi em.
Mẹ tôi kể: Cô tôi thương em còn hơn cả thân mình, đi đâu cũng không rời, chỉ sợ em mãi nghịch làm điều dại dột. Một lần bọn Pháp đi càn, chúng bắt được cha tôi đang trốn dưới bờ mương nước. Nghi ông là du kích, chúng trói lại giải về đồn. Thấy vậy cô tôi xông vào níu cha tôi lại. Chúng đánh hai chị em túi bụi. Cô tôi bị một báng súng thúc vào trán máu chảy đầy mặt nhưng vẫn quyết không chịu buông em.
Trước hành động kiên cường của cô, chúng đành phải thả cha tôi. Năm 1947 giặc Pháp trở lại, hai chị em theo dân làng tản cư vào núi. Cô tôi mắc bệnh sốt rét. Thuốc thang không có, cha tôi vốn vụng về lại đang ở cái tuổi bồng bột, bệnh cô tôi nặng dần. Lúc lâm chung, cô nắm tay cha tôi nghẹn ngào: “Chị chết cái thân không tiếc, chỉ lo rồi đây ai sẽ bảo ban em…”
Cưới mẹ tôi về mới chưa đầy một năm, cảnh nhà là thế nhưng mặc mọi lời can ngăn, cha tôi vẫn xung phong đi bộ đội…
Để chuẩn bị cho mẹ con tôi ra ở riêng, ông ngoại tôi kêu ba con rể đến giao nhiệm vụ. Hơn tháng sau thì căn nhà cho mẹ con tôi hoàn thành. Trông bên ngoài cũng không đến nỗi nhưng vào trong mới thất sự chắp vá èo uột: Cột chiếc thấp chiếc cao, đứng chênh vênh trên những tảng đá sần sùi. Kèo, xà lớp cũ lớp mới gá vào nhau.
“Hãy tạm vậy đã, khi nào yên hàn chồng con về rồi tính” – ông ngoại tôi an ủi.
Vậy là bắt đầu từ hôm đó tôi sống với tuổi thơ của mình trong căn nhà, chứng kiến bao nỗi lo toan thắt ruột của mẹ. Cứ bốn năm nhà lại phải thay mái. Dịp đó cả tháng trời mẹ tôi phải cơm đùm gạo bới lên nguồn cắt tranh. Chừng đủ thì mướn người chở đò về; rồi phải thuê người chẻ hom, đánh tranh. Xong một lần lợp nhà, mẹ tôi gầy ruộc, mắt trũng sâu... Tuy nhiên thì nỗi lo lợp lại nhà chẳng thấm vào đâu với nỗi lo vào mùa lụt bão.
Cứ mỗi lần bão nổi là mẹ tôi như kiến bò trong chảo nóng, miệng lẩm bẩm cầu trời khấn Phật. Tôi còn nhớ quãng năm 1966 quê tôi có một cơn bão lớn tràn qua. Căn nhà run lên bần bật, hai mái tranh dập dờn chỉ chực bứt lên không trung. Từng chiếc cột lần lượt dịch khỏi tảng kê. Hoảng hốt, mẹ tôi đội mưa gió sang nhà hàng xóm cầu cứu.
Cậu Thể chạy sang nhìn, bảo mẹ tôi: "Chị để em chặt hai cây cau ngoài vườn vào làm đòn chống, may ra"...
Vườn nhà tôi xưa ông nội trồng rất nhiều cau. Nhưng rồi từ ngày ông bà và cô tôi mất, chúng cứ chết lụi dần. Mẹ tôi bảo: "Chúng chết sầu vì cảnh nhà! Bây giờ chỉ còn hai cây duy nhất đó". Chúng đứng sóng đôi bên nhau, kiên cường vượt qua bao mùa bão gió như muốn lưu lại cho mẹ con tôi chút kỷ niệm của ông bà. Nhưng lúc này thì còn suy nghĩ gì. Cậu Thể lao ra vườn, vừa đẵn được một cây lò dò đến sân thì mẹ cậu đã đứng bên nhà gào lên: “Thể, về mau! nhà mình cũng sắp sập rồi!”.
Hoảng hồn, cậu Thể vứt bịch cây cau xuống sân chạy về. Chẳng còn biết kêu ai nữa, mẹ kêu tôi ra phụ vần cây cau vào. Hai mẹ con ráng hết sức đưa đầu cây lên chống vào cây xà chính rồi đóng cọc ghìm chân lại. Mẹ tôi vừa làm vừa khóc, nước mắt nhòe lẫn nước mưa…
Niềm hạnh phúc ngắn ngủi
Đất nước thống nhất, cha tôi được về hưu
Ông về với chiếc ba lô sờn đựng mấy bộ quần áo, một túi bột ngọt và mấy bánh lương khô.
“Việc lớn xong rồi, giờ chỉ còn lo làm ăn” - Ông nói giọng hoan hỉ. Mẹ tôi cười buồn: “Lâu nay chịu khổ quen rồi, tôi chẳng mơ giàu có; những ngày còn lại chỉ mong có được căn nhà chắc chắn cho khỏi lo lụt bão, ông làm sao được thì làm”.
Quê tôi đất chật người đông, mỗi công lao động chỉ được hợp tác xã chia 3 lạng thóc. Nghề phụ không có, việc đồng hết là cả làng lại kéo nhau vào rừng kiếm cái sinh nhai. Trẻ con thì lấy củi, bứt lá chằm nón; người lớn thì lấy dây mây, dây thừng, chặt giang, đào rễ cây chay về bán. Kế sinh nhai ấy người ta gọi ngắn gọn là “đi rú”.
Ngôi nhà mơ ước của cha tôi
Cha tôi tuy còn sức nhưng do một lần bị bom hất văng khỏi hầm trú ẩn, giờ cứ gánh gồng nặng là đau lưng. Biết vậy nhưng cũng đành liều bởi muốn có tiền thì chẳng có con đường nào khác. Sau mấy lần thử sức đào rễ chay, chặt giang về bán thấy ế, cha tôi quyết định đi lấy dây mây. Nhiều năm đóng quân ở núi Ba Rền, ông biết nơi nào có nhiều mây. Vậy là “Hội đi rú mây” được cha tôi lập ra.
Nghe cha kể, tôi biết thế nào là sự cực nhọc của nghề lấy mây. Để chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 5 ngày, mỗi người phải chuẩn bị một ba lô gồm gạo mắm, quần áo, mùng mền cỡ ba chục kí. Từ quê đi tàu hỏa hơn 30 km rồi đi bộ tiếp 20 cây số nữa mới đến nơi. Chọn được chỗ thích hợp, dựng lán trại xong là bắt tay ngay vào việc… Mây mọc thành từng cụm, móc vào nhau lùng nhùng như dây thép gai, rút được một cây nhiều khi hoa cả mắt. Bóc được mây rồi kéo về lán, tối cơm xong là đốt lửa lên chẻ.
Chẻ mây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo. Mỗi cây mây thường được chẻ thành ba, bốn sợi đều nhau, dài 6m. Sợi mây chẻ ra phải đều, không được chỗ mỏng chỗ dày. Muốn vậy phải thận trọng điều khiển lưỡi dao từng nấc một. Mây chẻ xong từng sợi sẽ được gập đôi lại, làm một con sào dài vắt lên phơi nắng. Đến ngày thứ tư, ai lấy được nhiều ít mặc lòng, phải đóng hàng để về. Gọi “đóng hàng” nhưng phải qua một công đoạn cực nhọc nữa…
Từ tinh mơ mọi người đã tất tả đi kéo củi khô về rồi làm một chiếc giàn cách mặt đất chừng 1m để sấy mây. Trong hơi nóng bốc lên ngốt người, mắt thì trông chừng ngọn lửa, một tay đảo mây, tay kia cầm chiếc dùi đập cho lớp lụa trên sợi mây bong ra. Sơ sẩy một chút để lửa sém, sợi mây bị đen là hỏng. Xong việc ai nấy mồ hôi nhễ nhại, tro than bám vào người đen nhẽm chẳng khác thợ đốt than…
Tôi học xong đại học, ra trường rồi đi làm xa. Trong quãng thời gian 6 năm, cha tôi vẫn miệt mài với những chuyến “đi rú” như thế. Hai lần về thăm nhà, cha tôi đều đang trong núi. Thương ông vô cùng nhưng với đồng lương eo hẹp, tôi cũng chẳng giúp được gì. Cho đến một ngày tôi bỗng nhận được thư cha tôi. Bằng một giọng hoan hỉ, ông báo tin là đã mua được nhà.
Tôi vội vã sắp xếp về chia vui với cha mẹ tôi…Đó là một ngôi nhà gỗ của người làng bên. Bởi làm theo lối xưa, giờ lỗi thời nên họ bán rẻ. Hai mái và hàng cột phụ, cha tôi phải mua gỗ làm mới. Cột chính cũng quá thấp, ông phải đúc thêm một khúc xi măng nối vào.
“Nhìn vậy chứ nó bằng gỗ lim đấy con ạ” – cha tôi nói vẻ tự hào. Tuy vậy thì để hoàn thiện được ngôi nhà còn phải xây tường bao quanh nữa. Cha tôi lúc này đã yếu, ông không “đi rú” thường xuyên được, tuy vậy thì hễ lúc nào thấy khỏe chút là lại liều đi. Tích cóp thêm lương hưu hàng tháng nữa, mấy năm sau thì bức tường xây đá bao quanh cũng hoàn thành. Trông ngôi nhà lúc này vững chãi, cục mịch như một chiếc hộp đá. Dẫu sao mặc lòng, giờ thì hoàn toàn yên tâm. Khỏi phải nói niềm vui sướng lúc này của mẹ tôi. Tiếc thay là niềm hạnh phúc bình dị đó chẳng được lâu.
Chưa đầy chục năm sau khi ngôi nhà hoàn thiện thì cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Tôi lập nghiệp ở nơi xa. Em tôi lấy vợ rồi làm nhà ở riêng. Căn nhà để trống. Giờ trông nó già nua, lạc lõng làm sao giữa xóm nhà cốt thép xi măng
Hàng năm về tảo mộ, mỗi lần mở cánh cửa ngôi nhà tối om, lạnh lẽo, tôi phải hít một hơi thở thật sâu để nén nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng. Ngước nhìn con rựa, chiếc câu liêm – bộ đồ nghề “đi rú” của cha tôi vẫn còn giắt trên mái nhà, cố nén tiếng nấc thầm mà nước mắt tôi vẫn ứa ra" “Cha ơi, đây là ngôi nhà cha một đời mong ước…”.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: Võ SáuĐịa chỉ: Võ Thị Sáu – 197 A Cách mạng Tháng 8, Thành phố Plei Ku, Gia Lai.
Ban tổ chức