Người mẫu AI ngày càng phổ biến trong làng mốt thế giới, tham gia chiến dịch quảng cáo của Levi's, lên bìa tạp chí Vogue Singapore.
Bìa số tháng 3 của tạp chí Vogue Singapore là một người mẫu - được tạo ra từ công nghệ AI - đeo Maang Tikka, món đồ trang sức của phụ nữ Ấn Độ trên trán. Không chỉ xuất hiện ở bìa, người mẫu này còn vào vai ba cô gái Đông Nam Á mang tên Aadhya, Faye và Melur trong bộ ảnh tôn vinh sự đổi mới và truyền thống, lấy cảm hứng từ hình ảnh của phụ nữ đầu thập niên 1900.
Người mẫu AI trên bìa Vogue Singapore. Ảnh: Vogue
Tân tổng biên tập Desmond Lim cho biết sản phẩm là đứa con tinh thần của Varun Gupta - giám đốc sáng tạo của công ty nội dung We Create Films (Ấn Độ). Tất cả được tạo nên bằng công cụ Midjourney và Dall-E.
Không phải lần đầu người mẫu ảo xuất hiện trên bìa tạp chí. Trước đó, Dall-E đã tạo ra trang bìa AI đầu tiên trên thế giới cho tạp chí Cosmopolitan, mang hình ảnh phi hành gia trên mặt trăng. Vogue Brasil số tháng 3 có bộ ảnh AI dài sáu trang, hợp tác nhiếp ảnh gia Zee Nunes.
Các người mẫu ảo catwalk trong show của Jonathan Simkhai năm 2022. Video: Second Life
Cũng trong tháng 3, Levi's ra mắt người mẫu AI độc quyền, giữ vai trò thể hiện các thiết kế trên website của hãng. Guardian khen người mẫu xinh như búp bê với bộ móng tay được chăm chút tỉ mỉ. Hãng đồ jeans nổi tiếng toàn cầu đã hợp tác với LaLaLand.ai - studio chuyên tạo ra các mô hình AI cho hãng mốt Calvin Klein và Tommy Hilfiger - để tạo ra người mẫu này.
Amy Gershkoff Bolles, người đứng đầu mảng chiến lược công nghệ kỹ thuật số của Levi's, cho biết các mẫu ảo dự kiến bắt đầu công việc vào cuối năm nay, không thay thế hoàn toàn con người mà chỉ hỗ trợ thể hiện sản phẩm.
Giới thời trang đón nhận xu hướng người mẫu ảo. Baek Seung Yeop - CEO Sidus Studio X - cho rằng người mẫu AI không giới hạn thời gian, không gian làm việc, không bê bối đời tư, giúp giảm bớt lượng chất thải trong ngành thời trang.
Sofie Mählkvist - phụ trách chuyên mục phong cách và mạng xã hội của Vogue ở London - đồng tình quan điểm này. Theo cô, người mẫu ảo có thể tùy chỉnh mức độ và tần suất làm việc theo cách mà con người không thể làm được.
Michael Musandu, người sáng lập LaLaLand.ai, nói với SCMP: "Các thương hiệu không thể chụp chín người mẫu cho mỗi sản phẩm họ bán, bởi làm vậy họ không chỉ thuê người mẫu mà còn thuê nhiếp ảnh gia, nhà tạo mẫu tóc, chuyên gia trang điểm. Khi sử dụng hình ảnh do AI tạo ra, họ không cần đội ngũ đó nên các thương hiệu có thể cắt giảm chi phí".
Kyle Glenn - người mẫu và nhiếp ảnh gia thời trang ở New York - đánh giá cao tính mới mẻ của sản phẩm AI. "Miễn là nó không thống trị các trang bìa tạp chí và ngành công nghiệp nói chung, cho dù tôi nghi ngờ rằng điều này sẽ xảy ra. Chúng là những hình ảnh đáng kinh ngạc và đang vượt qua ranh giới của sáng tạo thiết kế", anh nói với SCMP.
Người mẫu ảo của Levi's được khen có vẻ ngoài thân thiện. Ảnh: Levi's
Tuy vậy, mặt trái và tính khả thi của người mẫu AI là câu hỏi được các chuyên gia làng mốt bỏ ngỏ. Nhiếp ảnh gia Cameron James Wilson nói với SCMP: "Việc cạnh tranh giữa mẫu ảo và mẫu thật vẫn là câu hỏi khó bởi mọi thứ vẫn đang ở bước thử nghiệm". Nhiều người mẫu tự tin trí tuệ nhân tạo khó thay thế con người vì thiếu cảm xúc, sự tương tác trực tiếp.
Vincent Peters - nghệ sĩ thị giác và là người sáng lập phòng thí nghiệm hoạt hình và trí tuệ nhân tạo Inheritance Art - cho rằng chi phí kỹ thuật là yếu tố quyết định liệu người mẫu AI có thể khiến con người mất việc hay không. Theo nhiếp ảnh gia thời trang Shavonne Wong, việc duy trì người mẫu ảo tốn kém và mất thời gian.
Ngoài yếu tố tiền bạc, các chuyên gia còn so sánh về hiệu quả khi sử dụng người mẫu AI và người thật. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy 83% người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng các đề xuất từ gia đình và bạn bè hơn là quảng cáo. Bởi vậy, những chiến dịch hợp tác với người mẫu ảo vẫn tồn tại nhiều rủi ro.
Sao MaiTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×