Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Để góp thêm tiếng nói, tìm kiếm giải pháp phát triển thị trường dược phẩm trong nước bằng công cụ chuyển đổi số, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ban tổ chức, khách mời tại Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số - Ảnh: NAM TRẦN

Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi sốdiễn ra vào sáng nay 19-10 tại Hà Nội.

Cơ sở dữ liệu dược phục vụ nhu cầu người dân

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho hay hội thảo diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đã và tiếp tục tiến hành thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 nhằm giải quyết căn cơ những bất cập trong quản lý ngành dược.

Cùng với đó, đảm bảo cung ứng an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý cho người dân.

"Vậy làm sao để có những giải pháp hiệu quả ứng dụng công nghệ để quản lý thuốc, kinh doanh thuốc một cách khoa học, hiện đại?", nhà báo Lê Xuân Trung đặt vấn đề.

Ông dẫn chứng lại thực tế việc bản thân đi mua thuốc hỗ trợ điều trị sa sút trí tuệ cho người thân. Theo đó, khi ông đưa toa thuốc bác sĩ kê đơn cho hiệu thuốc, người bán thuốc có nói cơ sở hiện đang hết thuốc. Sau đó, người bán thuốc tra cứu thông tin dữ liệu thuốc và nói cơ sở gần đây của nhà thuốc còn loại này, vì vậy có thể vận chuyển đến.

Ông có thể lựa chọn chờ tại hiệu thuốc hoặc trở về nhà để hiệu thuốc mang đến nơi. Chỉ khoảng 1 tiếng sau khi trở về đơn thuốc này đã được giao đến ông.

"Đó là một ví dụ rất thực tế về hiệu quả thiết thực của cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyển đổi số trong việc kinh doanh dược.

Việc này đem lại sự tiện lợi cho người mua và người bán, nhờ đó người dân mua được loại thuốc mình cần, tiết kiệm thời gian.

Tôi mong rằng hội thảo lần này sẽ nhận được nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắn, thiết thực của các đại biểu để phát triển thị trường dược trong nước", ông Trung bày tỏ.

Luật Dược sửa đổi đề xuất đa dạng phương thức kinh doanh

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Chu Đăng Trung, trưởng phòng pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), giới thiệu về những điểm mới trong sửa Luật Dược 2016 - Ảnh: NAM TRẦN

Thông tin về những điểm chính trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016, ông Chu Đăng Trung, trưởng phòng pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đã nêu rõ 5 điểm mới của dự thảo.

Cụ thể, là thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong giai đoạn COVID-19.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược mang tính đột phá so với Luật Dược 2016. Đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Điểm mới thứ 5 là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.

Trong đó, đối với đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, ông Trung nêu rõ dự thảo bổ sung một số loại hình và phương thức kinh doanh mới như cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc.

Theo ông Trung, việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử song song với kinh doanh truyền thống sẽ được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

"Luật tạo hành lang pháp lý để quản lý các loại hình và phương thức kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn. Phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới", ông Trung nêu rõ.

Bên cạnh đó, ông Trung cho hay dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này còn mở rộng quyền kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) tại Việt Nam. Trong đó, sẽ cho phép các doanh nghiệp FIE tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam.

Đồng thời cho phép các doanh nghiệp này được trực tiếp phân phối các thuốc do chính doanh nghiệp sản xuất, đặt gia công, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Thu hút doanh nghiệp FIE đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Cùng với đó, theo ông Trung, dự luật tạo điều kiện để cơ sở sản xuất thuốc trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến. Tiến tới bảo đảm chủ động việc cung ứng thuốc, an ninh về thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Bà Trần Thị Nhị Hà, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo dõi phần tham luận tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Kê khai giá nhằm quản lý giá thuốc

Ông Chu Đăng Trung cũng cho hay một trong những điểm nhấn của dự thảo sửa đổi luật lần này là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.

Theo đó, nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước. Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành", đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá".

Công bố giá dự kiến đối tượng là thuốc kê đơn, áp dụng với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu. Còn kê khai giá theo Luật Giá là thuốc thiết yếu, áp dụng với cơ sở bán buôn, bán lẻ. Cơ quan tiếp nhận công bố giá là Bộ Y tế, còn kê khai giá là Sở Y tế.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Các khách mời theo dõi phần trình bày tham luận - Ảnh: NAM TRẦN

Mục tiêu về công bố giá là công khai giá trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, tức là công khai giá dự kiến làm cơ sở cho các cơ sở kinh doanh không được vượt quá giá mà cơ sở sản xuất, nhập khẩu công bố giá dự kiến.

Còn kê khai giá là tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường, sau khi công bố xong các cơ sở bán buôn, lẻ không được bán giá cao hơn. Dự thảo luật hóa các quy định đặc thù về quản lý giá thuốc, nêu rõ khái niệm giá bán buôn thuốc dự kiến, mặt hàng tương tự. Đối tượng công bố giá là các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu.

"Các biện pháp quản lý giá thuốc là niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Hiệp thương giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Đàm phán giá thuốc đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập", ông Trung thông tin.

Chuyển đổi số để phục vụ người bệnh

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ứng dụng khám chữa bệnh từ xa - Ảnh: NAM TRẦN

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Vũ Thái Hà - giám đốc vận hành eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về ứng dụng khám bệnh từ xa - cho rằng y khoa luôn là cốt lõi để chăm sóc sức khỏe người dân, lấy người bệnh là trung tâm và công nghệ sẽ giúp hoàn thiện tính năng.

Ông Hà nhấn mạnh với một ứng dụng công nghệ, sự đứt gãy thông tin giữa người bệnh và người điều trị không còn.

Nhờ công nghệ, người bệnh ở mức nào đó có thể ở nhà, còn bác sĩ ở rất xa, quá trình điều trị không bị đứt gãy. Công nghệ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Tuy nhiên, giám đốc eDortor cũng cho rằng để hình thành hệ sinh thái này, không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Để hoàn thiện hệ sinh thái trên, ông Hà đề xuất, thứ nhất, tối đa sự thuận tiện cho người bệnh, tận dụng năng lực của công nghệ thông tin và ưu điểm của mô hình vận hành dịch vụ O2O (Online-2-Offline).

Theo ông Hà, người bệnh khám chữa bệnh từ xa, từ website vẫn sẽ cần thuốc, vật tư, thiết bị,… vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa hai hệ thống này.

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý của hoạt động kinh doanh dược phẩm trực tuyến có thể "chạy" được, vận hành được.

Tiến tới khi có đầy đủ điều kiện có thể xem xét mở rộng với các mặt hàng không cần kê toa (OTC) vì người dân có thể cần nhiều hơn thế.

Thứ ba, cần đảm bảo an toàn cho người bệnh và an ninh y tế quốc gia.

Cuối cùng, ông đề xuất thiết kế hệ thống và yêu cầu kỹ thuật kết nối đối với hệ thống quản lý tập trung như quản lý đơn thuốc, quản lý việc sử dụng thuốc, cung cấp thông tin về mức độ sẵn có của thuốc.

Thuốc kê đơn bán tràn lan, hệ lụy khôn lường

Mở đầu tham luận về hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, ông Nguyễn Hữu Trọng, tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, nhấn mạnh tại Việt Nam tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Nguyễn Hữu Trọng, tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, cho rằng việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết - Ảnh: NAM TRẦN

Theo ông Trọng, vấn đề cần đặt ra hiện nay là tình trạng mua thuốc kê đơn quá dễ dàng. Thực tế việc sử dụng đơn thuốc giấy không thể quản lý được bán thuốc theo đơn.

"Thứ nhất, đơn thuốc giấy không xác minh được đơn thuốc có đúng không, người kê đơn có đủ thẩm quyền kê đơn hay không. Đơn thuốc giấy cũng không thể xác nhận được cập nhật trạng thái đơn, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn.

Và đơn thuốc giấy sẽ không quản lý được thời hạn đơn, trong khi quy định hiện nay thuốc kê đơn là 5 ngày nhưng nhiều người dân vẫn mua được thuốc dù cầm đơn thuốc cả năm trước", ông Trọng nói.

Vì vậy, ông Trọng cho rằng việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết, giúp đảm bảo minh bạch đơn thuốc, thuốc bán theo đơn, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả giúp người dân tránh "đại dịch kháng thuốc" đang là hiểm họa toàn cầu.

Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng.

Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc - những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn

"Hệ thống chúng ta đã có, tuy nhiên chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Tôi cho rằng cần giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện", ông Trọng cho hay.

Về bán thuốc online, ông Trọng nhận định việc này hoàn toàn có thể triển khai việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ, vấn đề là quy trình ra sao, nhà cung cấp nào có thể được bán thuốc kê đơn trên đó.

"Thực tế hiện nay luật chưa quy định nhưng việc bán thuốc online vẫn đang diễn ra bằng các tên gọi khác nhau. Vậy chúng ta lo lắng điều gì? Vấn đề là khi đưa vào hoạt động chúng ta cần phải quản lý làm sao đơn thuốc đó hợp pháp, cơ sở bán thuốc đủ tiêu chuẩn, hợp pháp… Vì vậy, việc bán thuốc online hoàn toàn có thể xem xét để thực hiện", ông Trọng nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Trọng lưu ý thêm về vấn đề "ship" thuốc. Với những đơn thuốc đặc thù, thời gian giao hàng, cũng như việc bảo quản có thể ảnh hưởng tới chất lượng thuốc, làm sai lệch thuốc.

Vậy các sàn thương mại điện tử cũng phải chứng minh được giao dịch đó chỉ cách người bệnh trong khoảng thời gian giao hàng cho phép.

Kê khai giá cần tính toán phù hợp với thực tiễn

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

TS.BS Trần Thị Nhị Hà, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: NAM TRẦN

Trả lời câu hỏi về quản lý giá thuốc, TS.BS Trần Thị Nhị Hà, phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và nội dung rất lớn của dự luật. Đồng thời cũng là vấn đề được dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nóng lòng chờ đợi.

Theo bà, ban soạn thảo đã đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng chịu tác động của luật. Dự luật đã có các khái niệm mới như công bố, công bố lại giá bán buôn dự kiến, hay các biện pháp về quản lý giá như kê khai giá, niêm yết giá đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Riêng về quản lý giá, dự luật đã dành hẳn một điều về các biện pháp quản lý giá thuốc. Đó là nội dung liên quan quản lý giá thuốc đặc thù của Luật Dược, còn có các nội dung còn lại tuân thủ theo Luật Giá.

Bà Hà nêu rõ việc công bố giá và công bố giá dự kiến là rất chính xác. Bà cho rằng đã là công bố thì doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ công bố giá với thuốc kê đơn. Các doanh nghiệp không được bán cao hơn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu công bố.

"Đây là biện pháp quản lý giá nhưng với lĩnh vực cạnh tranh thị trường sẽ có doanh nghiệp nêu ý kiến tại sao không được bán cao hơn giá của ông. Bởi cùng là doanh nghiệp, sự bình đẳng về cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, đây là biện pháp Bộ Y tế đưa ra được luật hóa và là biện pháp kế thừa quy định trước đây, thay bằng kê khai giá thì thực hiện công bố giá", bà Hà nêu.

Bà Hà cũng nói thêm, theo Luật Giá thì việc kê khai giá có phụ lục ngay tại luật và đại biểu Quốc hội rất dễ biết được hồ sơ kê khai giá như thế nào. Nhưng với công bố giá đang thiết kế sẽ giao Chính phủ, Bộ Y tế sẽ thiết kế hồ sơ công bố giá và việc công bố của doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ đưa lên trang thông tin của bộ.

Đồng thời, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà thực hiện kiến nghị sau khi doanh nghiệp công bố nếu có vấn đề như bán cao hơn giá công bố.

"Tất nhiên sau luật sẽ có dự thảo nghị định, thông tư nhưng mong muốn của đại biểu là những gì đưa vào luật được thì nên đưa để chúng tôi có thông tin hồ sơ công bố giá… Chúng tôi cũng mong Bộ Y tế thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc", bà Hà nêu.

Về kê khai giá theo dự thảo sẽ được thực hiện với doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Nội dung này sẽ giao cho UBND tỉnh TP trên địa bàn tiếp nhận kê khai và không có rà soát.

Bà dẫn chứng ở Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ, gần 1.000 cơ sở bán buôn và với TP.HCM sẽ nhiều hơn nữa. Đây là khối lượng công việc nặng nề với một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM khi khối lượng cơ sở quá lớn cần tiếp nhận kê khai.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Các đại biểu cùng thảo luận về chủ đề quản lý và cung ứng thuốc - Ảnh: NAM TRẦN

"Với danh mục phải thực hiện kê khai thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP như cơ sở nào phải kê khai, cơ sở nào không phải thực hiện kê khai. Nhưng tôi vẫn băn khoăn là tiêu chí thực hiện kê khai chưa quy định tại luật nên mỗi tỉnh sẽ có tiêu chí khác nhau và dẫn đến tình trạng không ai giống ai.

63 tỉnh thành sẽ có tiêu chí khác nhau và có thể dẫn tới bao nhiêu doanh nghiệp phải kê khai để đảm bảo sự yên tâm, tránh thắc mắc người này phải kê khai, người kia không. Do vậy, tôi rất mong muốn trong khi chúng ta đang cởi mở, thông thoáng trong quy định, nên phần tổ chức thực hiện cần tính toán cho phù hợp với thực tiễn", bà Hà nêu.

Bà Hà cũng chỉ rõ trước đây với bán lẻ thuốc (nhà thuốc) không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự luật mới sẽ phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lý trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm.

"Đây là thủ tục hành chính vất vả. Chúng ta nêu sẽ tùy UBND tỉnh, thành quyết định để thực hiện kê khai nhưng như Hà Nội có 10.000 cơ sở thì biết chọn ai trong đó để thực hiện kê khai. Bộ Y tế đang giải trình Luật Giá quy định kê khai, niêm yết giá nên thực hiện, nhưng Luật Giá cũng quy định với các luật chuyên ngành ban hành sau Luật Giá thì bộ chuyên ngành có thẩm quyền quy định thực hiện theo Luật Giá hay luật chuyên ngành.

Vì vậy, với chức năng quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế, tôi mong có biện pháp quản lý giá thực sự chặt chẽ, hiệu quả, tránh các thủ tục hành chính mà cuối cùng không quản lý được", bà Hà nêu rõ.

Bà cho rằng hiện nay có các thông tư 27, 04, 52 của Bộ Y tế nhưng câu hỏi đặt ra các quy định này vì sao đến nay chưa thực hiện được.

"Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá thực trạng để có giải pháp thực hiện được. Từ thực tiễn ở địa phương lâu năm, cho thấy quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, tổ chức thực hiện tốt và các cơ sở phải hợp tác…", bà Hà nói thêm.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào Luật Dược sửa đổi

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Phan Công Chiến, trưởng phòng quản lý dược Cục Quản lý dược, Bộ Y tế - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Phan Công Chiến, trưởng phòng quản lý dược Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, thông tin ngay tại điều 2 trong dự thảo luật, vấn đề cơ sở dữ liệu dược quốc gia được ban soạn thảo luật đề xuất và nhận được sự đồng tình lớn từ phía các đại biểu Quốc hội.

Theo ông, trong Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, định hướng số hóa ngành dược đã được đặt ra nhằm kết nối các nhà thuốc trung ương và địa phương.

Cùng với việc kê đơn thuốc điện tử, cơ sở dữ liệu dược quốc gia cũng là một nội dung hướng tới mục tiêu lâu dài nhằm kết nối, chia sẻ được với nhau.

"Dù chưa thành luật nên cũng có một số hạn chế, tồn đọng chưa được giải quyết. Song chính chỉ thị đó đã tác động rất lớn với các cơ sở bán lẻ, tiến tới bán buôn, các cơ sở sản xuất nhập khẩu nhằm kiểm soát chất lượng cũng như nguồn thuốc chặt chẽ" - theo ông Chiến - "Để có một cơ sở dữ liệu dược quốc gia, bộ chủ quản cần đề xuất để đưa vào Luật Dược".

Ông Chiến cho rằng từ dữ liệu dược quốc gia này, chúng ta có thể đưa ra những cảnh báo rất nhanh từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở ban hành thuốc, bán thuốc, cũng như các quyết định thu hồi, tạm dừng thuốc…

Ông Chiến cho biết thêm, qua cơ sở dữ liệu toàn diện này, một bộ phận bệnh nhân có nhu cầu mua thuốc hiếm, không phổ biến, vốn ít cơ sở kinh doanh thì giờ đây cũng thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm.

"Hy vọng dự thảo sớm được luật hóa để chỉ thị của Thủ tướng sớm thành hiện thực", ông nói. Luật Dược sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các danh nghiệp phát triển.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Phạm Hoàng Anh, phó tổng giám đốc tài chính và kế hoạch Công ty cổ phần Traphaco - Ảnh: NAM TRẦN

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Anh - phó tổng giám đốc tài chính và kế hoạch Công ty cổ phần Traphaco - cho hay Traphaco rất quan tâm đến những điểm mới của Luật Dược sửa đổi, bởi đây là những chính sách có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Anh cho rằng dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc cũ.

"Luật Dược sửa đổi có nhiều điểm mới, trong đó chúng tôi rất kỳ vọng vào sự thay đổi về thời gian đăng ký lưu hành được rút gọn, doanh nghiệp tự công bố, chính sách ưu đãi cho doanh nghệp dược… sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Hoàng Anh nói.

Đồng tình với ông Hoàng Anh, ông Nguyễn Minh Phúc - tổng giám đốc ABBOTT Heathcare Việt Nam - cũng cho rằng Luật Dược sửa đổi đã có sự thay đổi lớn và được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng.

"Thời gian phê duyệt thay đổi đăng ký sản phẩm đã được rút ngắn rất nhiều, từ 3 tháng xuống còn 15 ngày… đây là sự thay đổi rất quyết liệt. Quy định này giúp cho doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều rất thuận lợi", ông Phúc nói.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Phiên thảo luận với chủ đề Áp dụng chuyển đổi số vào ngành dược - Ảnh: NAM TRẦN

Còn ông Phạm Tuấn Hùng - tổng giám đốc Công ty dược Trường Thọ - nói trong những điểm mới của Luật Dược sửa đổi lần này ông tâm đắc nhất là chính sách ưu đãi phát triển ngành dược về đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hùng còn băn khoăn về chính sách này sẽ được thực hiện như thế nào. Cụ thể, ưu đãi đầu tư đối với ngành dược sẽ quy định ra sao. Chính sách này cần có thông tư hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Việc ưu đãi đầu tư không chỉ giúp cho doanh nghiệp có thêm cơ hội để đầu tư, phát triển mà người dân cũng sẽ được hưởng lợi. Khi có ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp sẽ tạo được những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý nhất.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ông Phạm Tuấn Hùng, tổng giám đốc Công ty dược phẩm Trường Thọ, tham gia thảo luận - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Hùng cũng nêu vấn đề về công bố kê khai giá thuốc. "Hiện nay, công bố kê khai giá thuốc hầu như không tính đến chi phí đầu tư phát triển, khoa học công nghệ… mà chỉ công bố giá dựa trên nguyên liệu, sản xuất. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm, bàn luận.

Đối với giá kê khai tại các đơn vị, tôi hy vọng rằng khi cung cấp thuốc theo chuỗi nhà thuốc sẽ giảm bớt được việc chênh lệch giá. Sẽ giảm bớt tình trạng 1.000 nhà thuốc có 1.000 giá khác nhau", ông Hùng kiến nghị.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Huyền - trưởng phòng pháp chế chuỗi nhà thuốc Long Châu - cho hay gần đây nhiều chuyên gia y tế đầu ngành như PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, GS.TS Lê Ngọc Thành - hiệu trưởng Trường đại học Y dược Hà Nội - nêu thực trạng người bệnh cao tuổi, mắc bệnh mãn tính ổn định chiếm số lượng rất đông trong lưu lượng đến khám bệnh ở các bệnh viện.

Nhưng thực tế việc thăm khám hằng tháng là không cần thiết, gây lãng phí quá tải không cần thiết vì đơn thuốc rất lâu mới có điều chỉnh về loại thuốc, liều lượng.

Các chuyên gia kiến nghị đối với bệnh nhân mãn tính ổn định thì tần suất khám 6 tháng đến 1 năm là phù hợp.

"Chúng tôi là chuỗi nhà thuốc trải khắp nhiều tỉnh thành, tiếp xúc với nhiều triệu bệnh nhân mỗi tháng, chúng tôi cũng nhận thấy một thực trạng như vậy. Nhiều bệnh nhân từ tháng này sang tháng khác vẫn một đơn thuốc giống nhau cầm đến, chỉ khác cái ngày kê đơn.

Vậy câu hỏi là: tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho nhóm bệnh nhân mãn tính đã ổn định nếu không có thay đổi về loại thuốc, liều dùng thì hằng tháng có thể tự đặt qua ứng dụng của chuỗi nhà thuốc và được giao đến tận nhà, thay vì phải ra nhà thuốc, vừa mất công đi lại, vừa tốn kém xăng xe thời gian, không thu được giá trị gì thêm, vừa dễ bị lây nhiễm chéo các bệnh khác nếu gặp khách hàng khác đi mua thuốc đang nhiễm bệnh có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc?", bà Huyền kiến nghị.

Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước: Vấn đề bình ổn giá, quản lý và cung ứng thuốc

Đề xuất bán thuốc kê đơn qua online: Sẽ báo cáo xem có thể mở rộng không

Làm sao để phục vụ người bệnh tốt hơn nữa? Chia sẻ tại hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đánh giá cao sáng kiến của báo Tuổi Trẻ và sự chia sẻ rất thẳng thắn, xây dựng của các đại biểu. Ông Trí nhận định hội thảo đã được tổ chức rất đúng lúc, khi chỉ còn vài ngày Luật Dược sửa đổi sẽ được bấm nút thông qua.

"Thời điểm này những đóng góp, chia sẻ sẽ làm sâu sắc hơn, tăng hiệu quả của Luật Dược sửa đổi hơn. Qua các báo cáo tham luận, tôi cũng đã học hỏi được thêm rất nhiều. Tôi cũng mong rằng ban soạn thảo Luật Dược làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề chuyển đổi số vào ngành dược.

Nếu áp dụng được thì vấn đề quản lý dược, nhà thuốc tốt hơn rất nhiều. Đơn giản nhất có thể thấy việc kê đơn bằng điện tử đã tốt hơn kê đơn bằng tay", ông Trí nói.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

GS Nguyễn Anh Trí, thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Trí cũng cho hay trước đó khi lấy ý kiến dự thảo, có nhiều tranh luận liên quan đến bán thuốc online. Theo dự thảo, bán thuốc online chỉ bán thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, có vấn đề phát sinh là với những trường hợp khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ cũng phải kê đơn.

Vậy những trường hợp này có được bán thuốc online không? "Tôi nghĩ rằng cần có cách để nhóm bệnh nhân này được phục vụ. Ban soạn thảo có thể nghiên cứu làm sao để phục vụ nhiều hơn nữa cho người bệnh", ông Trí nhấn mạnh.

Phát biểu tiếp thu tại hội thảo, ông Chu Đăng Trung, trưởng phòng pháp chế - hội nhập Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đã có giải trình về các ý kiến nêu ra.

Trong đó, về quan ngại của TS.BS Trần Thị Nhị Hà liên quan đến kê khai giá, ông Trung cho rằng theo Luật Giá việc kê khai giá vô cùng đơn giản. Việc này do doanh nghiệp tự quyết định và thông báo đến cơ quan quản lý tiếp nhận.

Thông báo theo hình thức cập nhật vào dữ liệu cơ sở giá do Bộ Tài chính xây dựng, không có thủ tục hành chính nào cả.

"Các doanh nghiệp, cơ sở có thể ngồi ở bất cứ đâu để có thể cập nhật giá bán vào cơ sở dữ liệu. Không có thủ tục gì cả mà rất đơn giản", ông Trung nêu rõ.

Về danh mục thuốc kê khai giá, theo ông Trung, hiện Bộ Y tế đang được giao nhiệm vụ xây dựng danh mục thuốc kê khai giá, đồng bộ, thống nhất trên cả nước chứ không phải các UBND tỉnh phải làm.

Ông Trung nói UBND tỉnh chỉ thực hiện việc đề xuất cơ sở nào phải kê khai, căn cứ trên mô hình, quản lý tại địa phương. Ví dụ như tại Hà Nội có 1.000 cơ sở bán buôn nhưng thấy rằng chỉ cần tập trung đầu mối lớn, chi phối thị trường Hà Nội thì yêu cầu kê khai giá. Với cơ sở bán lẻ chỉ tập trung vào các địa bàn quận, huyện trung tâm, các địa bàn ở vùng sâu vùng xa…

"Bởi giá kê khai đó nhằm mục đích theo Luật Giá chỉ nhằm đánh giá, phân tích thị trường, chứ không làm gì khác", ông Trung nhấn mạnh.

Về công bố giá vẫn thực hiện theo Luật Dược 2016.

Về các ý kiến kiến nghị xem xét bổ sung cho phép bán thuốc online với thuốc kê đơn, ông Trung cho hay việc xây dựng quy định thuốc không kê đơn được bán online đã được tổng kết, thi hành, đánh giá.

Đặc biệt, theo ông Trung, ban soạn thảo đã tiến hành tham khảo các nước và thấy 100% các nước bán thuốc không kê đơn. Đối với thuốc kê đơn, không phải quốc gia cũng cho phép bán online.

Do vậy, ông Trung xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của các đại biểu để xem xét, đánh giá, báo cáo lại Chính phủ để xem xét có thể mở rộng thêm hay có lộ trình thực hiện nhằm tiến tới giải quyết được ý kiến của đại biểu.

Đối với các ý kiến khác, ông xin tiếp thu, báo cáo lại.

Hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, phát triển công nghiệp dược bằng chuyển đổi số

Phát biểu kết luận hội thảo, TS.BS Trần Thị Nhị Hà nêu rõ thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bà đánh giá báo Tuổi Trẻ đã rất tâm huyết lựa chọn chủ đề phát triển ngành dược phẩm trong nước và chuyển đổi số trong Luật Dược. Đây là chủ đề nóng, mang tính chất thời sự, được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, nhất là khi dự Luật Dược sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Theo bà Hà, các đại biểu đã thảo luận xung quanh nội dung rất hay, tâm huyết về thương mại điện tử trong kinh doanh dược phẩm, nhà thuốc, công bố giá bán buôn, kê khai giá, niêm yết giá, các biện pháp quản lý giá, kê đơn thuốc điện tử, khám, chữa bệnh từ xa…

"Đây là việc cử tri rất quan tâm. Nếu chúng ta hoàn thiện được các quy định rõ ràng, minh bạch, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu phát triển thị trường dược phẩm, nhất là có các giải pháp quan trọng về chuyển đổi số, công nghệ số.

Tôi hy vọng các ý kiến sẽ được các đại biểu Quốc hội, cơ quan, bộ, ban, ngành, nhất là ban soạn thảo tiếp thu để đưa ra các nội dung trong Luật Dược sửa đổi hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn nhất trước khi các đại biểu ấn nút thông qua dự luật", bà Hà nêu rõ.

Bà nhấn mạnh việc cần tìm lời giải cho sự phát triển thị trường dược phẩm, chuyển đổi số và đây là xu hướng tất yếu mà Chính phủ, các bộ, ban ngành rất quan tâm. Bà kỳ vọng các giải pháp từ cơ quan quản lý sẽ hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và phát triển ngành công nghiệp dược bằng chuyển đổi số hoặc có giải pháp quan trọng quản lý giá thuốc.

"Mục tiêu cuối cùng làm sao để người dân tiếp cận thuốc, dược phẩm nhanh chóng, thuận lợi nhất. Giá thuốc đảm bảo hợp lý và thuốc được sử dụng an toàn, hiệu quả. Từ đó giúp việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt nhất", bà Hà nói thêm.

Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước: Áp dụng chuyển đổi số vào ngành dược

Hội thảo "Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số" có sự tham dự của 80 đại biểu đến từ Ủy ban xã hội của Quốc hội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc và người tiêu dùng.

Đặc biệt, hội thảo trình bày nhiều nội dung cùng các tham luận xoay quanh chủ đề về sửa đổi bổ sung Luật Dược, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, bình ổn giá thuốc, bán thuốc trên nền tảng trực tuyến…

Tại hội thảo, các tổ chức, cá nhân có những đóng góp, nhìn nhận từ thực tiễn trong việc thực hiện kê khai giá thuốc, quản lý giá thuốc thống nhất và minh bạch, duy trì bình ổn giá, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị và nâng cao khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Hướng đến mục tiêu kết nối bác sĩ - nhà thuốc - bệnh viện, để thuận tiện trong việc kiểm soát mua bán thuốc cho người dân.

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Ngành dược chuyển đổi số, có lợi cho người bệnh

Chuyển đổi số được coi là hướng đi hiệu quả của nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực. Trong đó, ngành dược - mặt hàng nhu yếu phẩm của mọi nhà - không nằm ngoài xu thế đó.

- THÀNH CHUNG - - NAM TRẦN

Theo Nguồn tuoitre.vn

Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số - Sức Khỏe

Liên hệ tòa soạn: chuyenlangsao.com@gmail.com